7/1/13

Hiến định thêm nhiều quyền con người


QĐND - Quyền con người và quyền công dân là vấn đề đặc biệt quan trọng trong các bản Hiến pháp trên thế giới. Ở nước ta, nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân luôn được khẳng định trong các bản Hiến pháp kể từ ngày thành lập nước tới nay. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa được công bố tiếp tục kế thừa và phát huy quyền con người và bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền con người được hiểu là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Còn quyền công dân gắn liền với mỗi quốc gia, được pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Và do gắn với đặc thù của mỗi quốc gia mà nội dung, số lượng, chất lượng của quyền công dân ở mỗi quốc gia thường không giống nhau.

Có thể nói, Hiến pháp 1992 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng về tư duy lý luận của Đảng ta về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển con người, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, những quy định của Hiến pháp 1992 chưa có sự phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân, một số quyền quan trọng là kết quả của quá trình đổi mới chưa được ghi nhận trong Hiến pháp; chưa xác định cụ thể cơ chế, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người và quyền công dân… Do đó, một số quyền trong Hiến pháp 1992 thiếu tính khả thi. Việc quy định tại Chương V của Hiến pháp chưa thể hiện đúng mức tầm quan trọng của vấn đề này. Vì vậy, Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, tiếp thu có chọn lọc các bản Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, thể chế hóa các quan điểm cơ bản của Đảng ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân đã xây dựng một chương riêng và để ở vị trí quan trọng (Chương II) hiến định nguyên tắc bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân theo đúng bản chất của một bản Hiến pháp.

Chương II của dự thảo Hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) của Hiến pháp 1992, chuyển các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân tại các chương khác về chương này, làm rõ nội dung của quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trên cơ sở đó sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền, nghĩa vụ để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân.
Chương II có 38 điều, trong đó có 5 điều mới hoàn toàn (Điều 16, Điều 21, Điều 44, Điều 45 và Điều 46), 30 điều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở một số điều của Hiến pháp năm 1992, chỉ có 3 điều được giữ nguyên.

Điều 16 được bổ sung mới để khẳng định nguyên tắc quan trọng của quyền con người trong mối quan hệ với người khác và các quy định được thể hiện trong các Công ước quốc tế. Trong đó quy định “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” và “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” .

Điều 21 (mới) rất ngắn gọn: “Mọi người có quyền sống”. Theo Ban soạn thảo, việc bổ sung điều này cho phù hợp với quyền sống trong Công ước về các quyền dân sự, chính trị (Điều 3) mà Việt Nam là thành viên. Quyền sống cũng đã được ghi nhận trong nhiều bộ luật và luật của nước ta, vì vậy, cần nâng lên thành quyền hiến định sẽ góp phần bảo đảm thực thi và nâng cao uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Điều 44 (mới) quy định: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người thực hiện các quyền về văn hóa. Điều này khẳng định quyền văn hóa của con người như quy định trong Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.

Để phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ thực tế ở Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau sinh sống, Dự thảo bổ sung một điều mới (Điều 45) ghi nhận về quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Điều này ghi rõ “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

Ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đe dọa đến quyền sống, quyền bảo vệ sức khỏe và quyền phát triển của con người, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung quy định về quyền sống trong môi trường trong lành để phù hợp với thực tiễn hiện nay với đòi hỏi ngày càng lớn hơn trong tương lai về vấn đề môi trường trong Điều 46 (mới). Điều này quy định “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và được thông tin về chất lượng môi trường sống. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của con người” và “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại môi trường”.

Một số điều khác trong Chương II cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy quyền con người, quyền công dân. Chẳng hạn, Điều 17 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội". Đây là hiến định nguyên tắc cơ bản của quyền con người, làm rõ nội hàm của quyền bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, xác định rõ các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân nhằm ngăn ngừa việc hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng văn bản dưới luật.

Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70), quy định rõ: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

Theo Ban soạn thảo, Điều 25 sửa đổi, bổ sung Điều 70 của Hiến pháp 1992 để phù hợp với Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, đồng thời cụ thể hóa một số khía cạnh chưa được nêu rõ trong Điều 70, tạo cơ sở bảo đảm thực hiện tốt hơn, đồng thời phòng ngừa những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tế.

Điều 48 của dự thảo Hiến pháp mới được xây dựng trên cơ sở Điều 77 của Hiến pháp năm 1992 và bổ sung nghĩa vụ thay thế để làm rõ nghĩa vụ công dân cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”.

Rõ ràng, quyền con người, quyền công dân luôn được Nhà nước ta khẳng định nhất quán và không ngừng được hoàn thiện, phát triển qua các bản Hiến pháp kể từ Hiến pháp 1946 tới nay.

BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved