11/2/14

MÙA LỄ HỘI

[Mực tàu] - Theo thống kê của Cục Văn hoá Thông tin cơ sở, Bộ Văn hoá Thông tin, cả nước có khoảng 8902 lễ hội trong đó có khoảng 7005 lễ hội dân gian truyền thống, 1399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội do du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam
Như vậy tính trung bình mỗi ngày tại Việt Nam diễn ra 24 lễ hội các loại, cho thấy sự đa dạng và phong phú trong phong tục tập quán của người dân Việt Nam. Với 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc sắc, thể hiện nét đẹp riêng của dân tộc mình.
Lễ hội là một trong những “hoạt động văn hoá cao”, “hoạt động văn hoá nổi trội” trong đời sống con người. Hoạt động chủ yếu trong lễ hội là hoạt động của cộng đồng người hướng tới “xử lý” các mối quan hệ của chính cộng đồng đó. Hoạt động này diễn ra với những hình thức và cấp độ khác nhau, nhằm thoả mãn và phục vụ lợi ích đa dạng trước mắt và lâu dài của các tầng lớp người dân, thoả mãn những nhu cầu của  con người trong môi trường mà họ sinh sống.
Tại Việt Nam môi trường lễ hội chính là nông thôn, làng xã Việt Nam. Lễ hội là môi trường thuận lợi mà ở đó các yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Những yếu tố văn hoá truyền thống đó không ngừng được bổ sung, hoàng thiện, vận hành cùng tiến trình phát triển lịch sử của mỗi địa phương trong lịch sử chung của đất nước. Nó chính là hệ quả của cả quá trình lịch sử của không chỉ một cộng đồng người và là tinh hoa được đúc rút, kiểm chứng và hoàn thiện trong dọc dài lịch sử của bất cứ một cộng đồng nào. Lễ hội có sức lôi cuốn, hấp dẫn và trở thành nhu cầu, khát vọng của người dân cần được đáp ứng và thoả nguyện qua mọi thời kỳ lịch sử.
Tuy nhiên, lễ hội cũng là dịp và là địa chỉ mà các tệ nạn xã hội bùng phát mạnh nhất, từ việc lợi dụng văn hoá tâm linh người dân để tiến hành các hoạt động mê tín dị đoan, bói toán để “buôn thần bán thánh” theo kiểu “đặt lễ thuê”, “khấn vái thuê”; đặt các “hòm công đức” tràn lan, tạo dựng các “di tích mới” để thu tiền như trong lễ hội chùa Hương, Bà Chúa Kho…một số tổ chức còn mệnh danh là quản lý lễ hội để hoạt động bán vé thu tiền bất chính khách trẩy hội… Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi xảy ra các tệ nạn xã hội như cướp bóc, ăn xin, lừa đảo…
Người Việt Nam có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”, cũng là tháng bắt đầu các hoạt động lễ hội. Có rất nhiều những lễ hội lớn thu hút đông đảo quần chúng diễn ra trong tháng giêng này như: Lễ hội chùa Hương, Lễ hội chùa Yên Tử, Lễ hội đền Trần tại Nam Định…Điều đó đặt ra cho các cấp có trách nhiệm cần phải có cách quản lý và tổ chức lễ một cách chặt chẽ và khoa học, để mỗi lễ hội thực sự là “lễ” và “hội” của cộng đồng dân cư.

Một số lễ hội trong năm
Lễ hội đền Trần, Nam Định
Lễ hội chùa Hương
Lễ hội chùa Yên Tử
Lễ hội cầu ngư, Huế
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên
Lễ hội bắt chồng, Lâm Đồng
MT

BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved