22/2/13

Vì bình yên Tây Bắc

Tác giả : Hoa Đất


images
Nói đến Tây Bắc, chắc hẳn mọi người đều biết đến điệu múa xòe hoa của dân tộc Thái, điệu khèn, chợ tình của người Mông, với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu… Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Cuộc sống vốn yên bình của người Mông ở Tây Bắc bị xáo trộn sau sự kiện các thế lực thù địch tiếp tay cho bọn phản động trong nước lừa bịp người Mông tụ tập tại Mường Nhé, Điện Biên “xưng đón Vua” mà thực chất là kích động bạo loạn tiến tới lập “Vương Quốc Mông” tự trị, đòi tách khỏi lãnh thổ Việt Nam. Sự thật thì vấn đề Vương quốc Mông có như các thế lực thù địch xuyên tạc? Và ảnh hưởng của nó như thế nào đến đời sống của người Mông?
Trở lại lịch sử, người Mông có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau 3 đợt thiên di lớn, hiện nay người Mông ở Việt Nam có khoảng hơn một triệu người sống tập trung chủ yếu tại Tây Bắc. Quá trình di cư muộn vào Việt Nam nên người Mông thường sống ở vùng núi cao, đi lại khó khăn. Là dân tộc thiểu số trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn 1954-1975, được sự hậu thuẫn của Mỹ đã hình thành cái gọi là lực lượng Vàng Pao có quân đội riêng (có căn cứ ở Lào) với ý đồ tập hợp lực lượng đối trọng với cách mạng, tiến tới lập quốc gia riêng cho người Mông ở Đông Dương. Sau ngày giải phóng, các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiếp tay cho bọn phản động trong nước, kích động tư tưởng ly khai, âm mưu quốc tế hóa vấn đề Vương quốc Mông nhằm thực hiện chiến lược Diễn biến hòa bình đối với Việt Nam.
Nghiên cứu lịch sử quốc gia dân tộc trên thế giới, đối chiếu với các quy định của quốc tế, điều kiện cho sự ra đời một quốc-gia dân tộc cần: Một khu vực địa lý đủ lớn, ổn định lâu dài làm nơi định cư của đồng bào; Một thị trường kinh tế tương đối phát triển làm cơ sở cho đời sống của cư dân; Một trình độ phát triển tương đối cao về văn hóa, trước hết là về ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết riêng)… Và đương nhiên về mặt pháp lý nếu là một dân tộc muốn tách khỏi một quốc gia – dân tộc mà họ đang sinh sống, thì phải được Nhà nước đó chấp thuận. Vì vậy, không thể có cái gọi là Vương quốc Mông trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam thống nhất. Lợi dụng trình độ dân trí còn thấp của người dân, lợi dụng niềm tin tôn giáo cuồng tín, tâm lý ảo vọng về một Vương quốc riêng, các thế lực thù địch đã kích động người Mông tụ tập đông người tại Mường Nhé (Điện Biên) để phục vụ mưu đồ chính trị cho một số thế lực bên ngoài, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Và những ảnh hưởng của vấn đề Vương quốc Mông vẫn còn hiện hữu:
- Các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta với các luận điệu: Việt Nam không quan tâm người DTTS, đàn áp người DTTS… cổ vũ cho chủ nghĩa ly khai dân tộc, kích động hận thù dân tộc. Vấn đề Vương quốc Mông không chỉ liên quan người Mông ở một quốc gia, nó còn ảnh hưởng đến an ninh các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Lào, Myanma.
- Ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Cần phải khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giữ vững ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Sau sự kiện Mường Nhé, bà con người Mông vì bị lừa bịp nên đã bán hết tài sản, bỏ nhà cửa đi theo những niềm tin mù quáng – cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
- Khi bị kích động, tình cảm dân tộc kết hợp với niềm tin tôn giáo mù quáng sẽ là điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi dậy, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại công cuộc đổi mới. Bên cạnh đó, là địa bàn giáp biên giới, việc kích động lập Vương quốc Mông còn gia tăng các loại tội phạm nguy hiểm khác như: Buôn bán vũ khí, buôn lậu ma túy, mua bán người…
Thay cho lời kết, Giàng Dao một trí thức người Mông có uy tín tại Mỹ đã phát biểu sau sự kiện “xưng Vua” ở Mường Nhé, Điện Biên (2011): “Các bạn là người Mông nhưng cũng là người dân nước Việt. Mà đã là người dân nước nào thì phải tuân thủ pháp luật nước đó. Các bạn dù có những đòi hỏi nhưng cũng không được làm quá. Tôi chỉ nghe tin, cũng không biết là thật hay giả nữa, rằng các bạn đòi chính phủ Việt Nam cấp đất để các bạn lập vương quốc riêng. Điều này là không thể được đâu các bạn. Trên thế giới chưa có tiền lệ như thế. Đất đai nay đã có chủ, bà con người Mông ta dù ở nước nào cũng cần tuân thủ vào pháp luật của nước đó. Người Mông ở Việt Nam cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng là chính phủ của người Mông. Do vậy, mong bà con người Mông ở Việt Nam, cụ thể là ở tỉnh Điện Biên, nếu nghe được lời nhắn của tôi, các bạn hãy nhớ tôi cũng là một người Mông như các bạn. Mong các bạn dù làm gì đi nữa thì cũng đừng làm như một vài người đã làm. Muốn làm gì, mong muốn điều gì, hãy trình bày với chính quyền, nói với chính phủ, đừng làm như những gì tôi nghe được. Thế giới này đã phân chia, có chủ cả rồi, mình ở đâu thì phụ thuộc đó. Tuân thủ pháp luật nơi đó thì mình mới là một công dân tốt. Xin kêu gọi bà con người Mông ở Điện Biên hãy bình tĩnh, không làm bừa bởi làm vậy sẽ không ai, không nước nào ủng hộ các bạn đâu. Càng làm, các bạn chỉ càng chuốc thêm đau khổ mà thôi”.

BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved