20/3/13

Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng


“Tôi đang bị thương, trôi trên biển, tàu quân sự Trung Quốc phát hiện, chĩa súng vào đầu ra lệnh tôi đầu hàng. Tôi cương quyết không chịu. Nhìn thẳng vào mắt họ, tôi nói: Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng trước mũi súng quân thù”.
Đó là dòng ký ức của binh nhất Trần Thiên Phụng, 1 trong 9 chiến sĩ của Trung đoàn 83 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân may mắn còn sống sót sau trận tử chiến ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện anh sống cùng gia đình tại phường 2, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

25 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận chiến giữ đảo quê hương vẫn vẹn nguyên trong lòng người lính Trần Thiên Phụng. Thắp nén hương cho những đồng đội đã hy sinh, anh nghẹn ngào kể: Năm 23 tuổi, anh vào quân đội, làm chiến sĩ của Trung đoàn 83 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng

Anh Trần Thiên Phụng nhớ lại trận hải chiến sinh tử giữ đảo quê hương

Ngày 12/3/1988, lính Trung đoàn 83 lên ba chiếc thuyền đi làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa. Đến chiều 13/3, ba tàu của ta đã tiến gần đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin thì bất ngờ bị tàu quân sự phía Trung Quốc bao vây. Anh Nguyễn Thông (đảo trưởng) phát tín hiệu về đất liền xin ý kiến chỉ đạo. Khi đó, binh nhất Trần Công Phụng đang trên tàu vận chuyển HQ-604 hướng mũi vào đảo Gạc Ma cùng với tàu HQ-605 và tàu HQ-505. Phía tàu đối phương vẫn chạy theo bao vây uy hiếp.
Sáng ngày 14/3, trận hải chiến Trường Sa xảy ra. Tàu quân sự Trung Quốc một mặt cho quân đổ bộ vào đảo Gạc Ma, mặt khác tập trung hỏa lực tấn công vào tàu của ta. Ngay lập tức, anh Phụng cùng đồng đội trên tàu ôm súng AK 47 đứng trước mũi tàu bắn trả tàu của địch.
Tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhiều chiến sĩ bên ta hy sinh. Tàu HQ-604 và tàu HQ-605 bị trúng hỏa lực mạnh của địch và dần chìm xuống biển. Còn tàu HQ-505 bị hư hại nặng.
Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng
Vợ chồng anh Phụng (ở giữa, hàng sau) trong ngày gặp lại ở Quảng Ninh năm 1991
Không nao núng, đảo trưởng Nguyễn Thông hô to: “Lãnh thổ của đất nước đã bị xâm chiếm, anh em xông lên quyết tâm đẩy lùi địch”. Nghe đảo trưởng hô, toàn bộ chiến sĩ ôm súng lao xuống biển, bơi vào đảo Gạc Ma tiếp tục nổ súng chiến đấu.
Khi đó, anh Phụng đã bị trúng 2 mảnh đạn vào đầu và tay nhưng vẫn cắn răng chịu đựng ôm súng bơi vào đảo, tiếp tục chiến đấu. Nhưng do bị thương nặng, mất máu nhiều nên anh Phụng đã kiệt sức và trôi lênh đênh trên biển. Chưa tiếp cận được đảo thì 17 giờ cùng ngày (14/3), anh Phụng bị tàu quân sự Trung Quốc phát hiện bắt giữ làm tù binh.
Nghe chồng kể tới đây, chị Lê Thị Thiên (vợ anh Phụng) cầm tay anh nghẹn ngào: “May mắn anh còn sống về đoàn tụ với gia đình”.
Anh Phụng tiếp tục dòng ký ức: “Khi tôi đang bị thương trôi trên biển, tàu quân sự Trung Quốc phát hiện, họ chĩa súng vào đầu ra lệnh đầu hàng, tôi cương quyết không chịu. Nhìn thẳng vào mắt họ, tôi nói: Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng trước mũi súng quân thù”.
Sau đó, anh Phụng được đưa về đảo Hải Nam cấp cứu trước khi chuyển vào nhà tù ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hôm đó lính hải quân Việt Nam có tất cả 9 người bị bắt giữ.

Ngày trùng phùng đẫm nước mắt

Ngày 28/3/1988, báo Nhân dân đăng tải danh sách 74 chiến sĩ mất tích ở trận tử chiến giữ chủ quyền Tổ quốc ngày 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Anh Phụng là một trong số đó.
Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng
Tấm giấy báo tử gửi về quê nhà
Ngày 1/11/1988, Trung đoàn 83 gửi giấy báo tử xác nhận anh Trần Thiên Phụng, cấp bậc binh nhất, mất tích vào ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma.
Đau đớn tột cùng, chị Thiên xót xa thương đứa con trong bụng chưa ra đời đã phải mồ côi cha. Bất ngờ hơn một năm sau, chị nhận được dòng tin nhắn của chồng gửi về từ Trung Quốc: “Anh bị Trung Quốc bắt làm tù binh, em và bố mẹ giữ gìn sức khỏe”. Đọc những dòng tin do Hội Chữ thập đỏ quốc tế gửi tới, chị không tin vào mắt mình.
Ngày 2/9/1991, anh Phụng cùng 8 đồng đội được phía Trung Quốc trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở Lạng Sơn. Chị Thiên bắt xe lên tận cửa khẩu đón chồng. Giây phút trùng phùng xúc động ấy, hai vợ chồng chị cứ ôm riết lấy nhau mà khóc cả giờ đồng hồ, không ai nói lên lời.
Trở về với cuộc sống đời thường, anh Phụng cùng vợ mở một quán ăn nhỏ bán bún, phở mưu sinh. Hiện giờ anh chị có 3 người con, đều đã khôn lớn.
Anh Phụng cho biết, ngày 14/3 tới đây, anh sẽ vào Đà Nẵng để cùng với những đồng đội dự lễ tưởng niệm 25 năm hải chiến Trường Sa.







Tre Làng-Loa Phường-Tiên Lãng-Tiếng nói-Đất mẹ-Việt Nam-Dân Việt-Tuổi trẻ-Nhân dân-QĐND-VNCH

BÌNH LUẬN FACEBOOK


7 nhận xét:

  1. con người việt nam không biết lùi bước không biết hèn nhát,người đồng đội này nằm xuống đã có đồng đội khác cầm súng đứng lên chiến đấu vì quê hương vì những người đã ngã xuống,thật anh hùng

    Trả lờiXóa
  2. những giấy tử báo về sao nào lòng đau buồn thế,dẫu biết rằng ra đi thì nghĩ cái chết sẽ đến với người thân minh bất kỳ lúc nào,nhưng sao vần bàng hoàng thay khi nhận được giấy

    Trả lờiXóa
  3. những đồng đội hi sinh những người thân đi không về nữa một nỗi buồn sâu lắng đầm nước mắt nhưng trong mỗi người việt nam đều biết đó là sự hi sinh anh hùng và chúng ta rất khâm phục các anh

    Trả lờiXóa
  4. Những người lính cụ Hồ với tinh thần chiến đầu quật cường vì Tổ Quốc quyết sinh không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Dân tộc ta đã trải qua thời kỳ đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Tới hôm nay đang vững bước trên con đường xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn

    Trả lờiXóa
  5. Thật tuyệt vời là anh vẫn còn sống và điều kì diệu đó chính nhờ vào sự can đảm bất khuất phẩm chất của người lính Việt Nam ! anh bộ đội cụ Hồ ! Đúng là người Việt Nam mình tuy nhỏ bé nhưng rất dũng cảm :)

    Trả lờiXóa
  6. Chàng Gaul trung tìnhlúc 23:39 22 tháng 3, 2013

    Quá là can đảm bất khuất ! đấy mới thực sự là người bộ đội cụ Hồ ! tuy bây giờ thời bình chúng ta không thể hiểu hết thời chiến tranh ra sao nhưng việc bắc giết hết sức nguy hiểm ! Anh can đảm như vậy được thì đúng là rất hiếm có ! bởi bậy mà anh mới thoát khỏi kẻ thù !

    Trả lờiXóa
  7. Dân tộc ta thời xưa đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ và Pháp, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam chịu thua bất cứ một kẻ xâm lược nào. Và hôm nay cũng vậy, Việt Nam không bao giờ chịu đầu hàng trước âm mưu xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc. Quyết giữ vững chủ quyền, không để hi sinh của những người lính hải quân xưa là vô ích

    Trả lờiXóa

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved