18/12/13

Tuyết rơi ở Sapa – Giới trẻ Việt nên hào hứng hay ích kỷ?

[Đò Ngang] - Sa Pa hai hôm nay đang là tâm điểm của cư dân mạng khi nhiệt độ xuống thấp khiến tuyết rơi dày. Nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C do đợt không khí lạnh tăng cường đã khiến tuyết rơi tại Lào Cai vào sáng 15/12. Đèo Ô Quý Hồ, Thác Bạc, đỉnh Fansipan là những nơi đầu tiên của Sapa có tuyết rơi. Tuyết ở thị trấn Sapa rơi ít và muộn hơn ở nhiều nơi khác nhau nhưng màu trăng lác đác, phủ dày từ chiều 15/12 đến sáng 16/12 cũng đủ biến những khung hình về xứ sở này trở nên khác lạ. Rất hiếm khi hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này xuất hiện tại Việt Nam, bởi vậy cũng không có gì khó hiểu khi hai ngày qua, tuyết rơi tại Sa Pa đã đem lại cho giới trẻ sự hào hứng, mê mẩn.



Người chia sẻ hình ảnh, người cập nhật thông tin, thậm chí còn có nhiều nhóm bạn ngay lập tức khăn gói lên Sa Pa ngắm tuyết. Sẽ không có quá nhiều điều để tranh cãi nếu như ai cũng nhìn hiện tượng này theo một hướng tích cực. Thế nhưng, vẫn có những người bỗng quay ra chê trách việc giới trẻ yêu thích, hào hứng với tuyết rơi tại Sa Pa là ích kỷ, hẹp hòi, vì mê tuyết mà... quên đi sự khốn khó của người dân Sa Pa bởi tuyết rơi làm thiệt hại một số diện tích su su và rau, hoa các loại của người dân. Nhiều người ở khu vực có tuyết rơi phải sơ tán đàn trâu xuống địa bàn thấp hơn để đảm bảo an toàn cho gia súc.

Xin mượn lời của anh Trương Anh Ngọc - Bình luận viên thể thao nổi tiếng của Việt Nam, cũng đã đăng tải một status trên Facebook riêng thể hiện quan điểm của mình: "Mình nhớ có lần đi uống rượu với mấy người bạn cực thân, cao hứng đưa cái ảnh chụp cả chục chai rượu ngoại lên Facebook, bị mấy bạn vào nói cho một hồi, kiểu "nhân dân mình còn đói khổ, bão đang tàn phá bao nhiêu ngôi làng, mà sao anh ăn chơi phè phỡn vô cảm thế". Mình cảm thấy thật xấu hổ ,vì nhẽ hồi xưa học môn giáo dục công dân, mình làm việc riêng, không nghe lời thầy giảng.

Hôm nay đọc được ý kiến của một số bạn nói rằng những ai đi xem chơi tuyết ở trên Sapa mà không quan tâm đến trâu bò lợn gà chết và đời sống nhân dân đói khổ, mình cũng cảm thấy xấu hổ, vì ở bên này xa xôi, không giúp được gì nhiều cho người dân vùng ở đó. Có khá nhiều quỹ từ thiện cho những vùng đất đó, nơi tuyết không phải bây giờ mới rơi và đời sống của họ không phải bây giờ mới đói khổ, chẳng hạn như Quỹ "Cơm có thịt" của anh Trần Đăng Tuấn, hay phong trào của ca sĩ Thái Thùy Linh. Nếu có thể, hãy góp một tấm áo, một đôi giày hay bất cứ thứ gì có thể, dù chúng ta biết rằng, đấy chỉ là một việc từ trong tâm của ta, nhưng không thể đủ được, không thể giúp cho tất cả những người đang chết rét ấy được.
 
Mình chỉ muốn nói các bạn ấy một điều, rằng cuộc sống phải trôi và chúng ta phải sống, bất kể điều gì có xảy ra đi chăng nữa. Chỉ trích những người tìm cách có được niềm vui (một cách chân chính, không ăn cắp ăn trộm của ai) trong thời buổi loạn lạc và thiếu giá trị quy chiếu này, trong khi nhiều người khác còn đói khổ, không phải là một cách hay.
Hãy làm những việc khác có ích hơn đi..." 

Bạn Cao Đào Viết -  sinh viên khoa Báo in K31a1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã viết như sau:

“ Cái lạnh cắt da, cắt thịt ở chốn thủ đô này làm con không thể không nhớ đến bố mẹ. Dưới này lạnh là vậy nhưng con biết trên nhà mình còn lạnh hơn nhiều. Con nhớ lắm những ngày đông rét thấu xương, nhiều nhà trong xóm mất đi tài sản lớn nhất, cũng là người bạn thân nhất của mình là con trâu, con bò.

Rồi mùa đông năm đó, con làm sao quên được giọt nước mắt làm tan trái tim con của mẹ khi cái lạnh vô tình cướp mất con trâu duy nhất của nhà mình. Và ngày hôm nay, khi ngồi trong góc trọ nhỏ nơi thị thành cũng đang rất lạnh lẽo, thậm chí lạnh đến mức đáng sợ của cái lạnh không chỉ đến từ thời tiết này, con thấy thương cho những bà con nơi vùng cao xa xôi, những nơi phải hứng chịu những đợt không khí lạnh khủng khiếp nhất và cũng chính là nơi vô tình được giới trẻ quan tâm nhất. Họ lũ lượt kéo nhau đến - xem - cười - chụp ảnh để thỏa mãn cái mong ước mà bấy lâu họ vẫn mơ mộng khi được xem trên mạng internet, trên truyền hình những bộ phim tình cảm, lãng mạn với bối cảnh không thể thơ mộng hơn: tuyết rơi.

Con có thể tưởng tượng khung cảnh “kẻ khóc - người cười” ở chốn đó mẹ ạ, con tưởng tượng ra cảnh các em bé co ro bên những bếp lửa, những đôi môi thâm tím khóc oe oe vì lạnh. Rồi con thấy hình ảnh của mẹ: đôi mắt dại đi vì lạnh, vì tài sản lớn nhất đang có nguy cơ mất đi vì những cơn tai họa đến từ mẹ thiên nhiên; vì tuyết rơi...

Và rồi, con lại thấy một bức tranh “sôi động” hơn hẳn đến từ họ - những người được gọi nôm na là “dân phượt” mà mẹ chưa bao giờ nghe đến tên, hay và biết. Họ trong những trang phục không thể ấm cúng hơn, cười nói rôm rả, hạnh phúc bất tận khi chứng kiến những bông tuyết vô tình đang phủ trắng lên căn nhà của mẹ; họ chụp ảnh và họ thỏa mãn. Nhưng chừng ấy là chưa đủ đâu mẹ ạ, họ muốn nhiều hơn thế, thậm chí họ muốn tuyết phủ quanh năm trên chuồng bò của mẹ cơ; họ muốn biến ngôi làng của mẹ thành “thiên đường tuyết”, thành nơi mà học có thể thoải mãi đi đến - xem - cười và chụp ảnh.

Con thấy thương mẹ, thương cho những số phận đang lay lắt vì cái “lạnh kép” này. Những bài học đầu tiên mẹ dạy con có bài học “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, rồi đến trường con cũng được học những bài học tương tự. Con không được phép cười hả hê khi bạn con hoặc một người nào đó đang có chuyện đau khổ, con không được vui cười trên niềm đau của người khác. Thế mà họ...

Và con biết, ngoài họ ra, còn rất rất nhiều những người bạn muốn được như họ đang ngày đêm cầu tuyết rơi, cầu trời hãy về âm độ như London, như Moscow... Và con biết họ là ai mẹ ạ!

Con cảm ơn mẹ đã dạy con về bài học biết yêu thương chia sẻ để giờ phút này con ngồi đây và viết những dòng này cho mẹ. Điều cuối cùng con muốn nói với mẹ rằng: con không thích tuyết rơi, không bao giờ thích, cho dù một ngày nào đó mẹ của con không còn phải nuôi bò nữa.

À, mẹ ơi, hãy chú ý đàn bò, họ còn cầu tuyết rơi nhiều nữa đấy!”

Thiên nhiên vô cùng hà khắc đối với vạn vật muôn loài. Nhưng con người sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Chúng ta nên sống chậm lại để  cảm nhận về những người sống xung quanh chúng ta. Các bạn có đồng ý như thế không? Tác giả mong nhận được nhiều sự đóng góp của các bạn!


BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved