13/6/13

Phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông

Vân Thanh
Thực hiện tham vọng bành trướng, thôn tính Biển Đông, từ năm 1974 đến nay, để phối hợp và biện minh cho các hành động vũ trang đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra một loạt tuyên bố về chủ quyền toàn bộ của Trung Quốc đối với Biển Đông, đồng thời tung ra một loạt bài viết cho rằng “từ xưa đến nay Trung Quốc luôn là nước có nền văn minh biển”, nhằm “khích lệ tinh thần biển” của người dân Trung Quốc…

Phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc đối với chủ quyền trên Biển Đông

Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam
Những luận cứ được Trung Quốc đưa để chứng minh cho “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông cho thấy thủ đoạn rất tinh vi trong việc tạo dựng chứng cớ ngụy biện cho các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước hết, đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa cho đến trước khi đánh chiếm quần đảo này (1/1974), trong các văn bản chính thức của Trung Quốc chỉ lặp đi lặp lại từ ngữ “Tây Sa, Nam Sa luôn là lãnh thổ của Trung Quốc” hoặc “từ xưa đến nay luôn là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”… nhưng không đưa ra được thời điểm cụ thể nào, hoặc nếu có thì nói “ngay từ đầu thế kỷ 15, các quần đảo Trung Sa và Tây Sa (Hoàng Sa) đã được nhập vào bản đồ Trung Quốc, trở thành lãnh thổ Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi đánh chiếm nốt các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì Trung Quốc lại đưa ra luận cứ mới, đẩy lùi thời điểm chủ quyền của Trung Quốc lên đến thời điểm đầu Công nguyên và lập luận rằng “ các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc”, do nhân dân Trung Quốc “phát hiện sớm nhất”, “khai thác sớm nhất” và “quản hạt, hành xử chủ quyền sớm nhất”
Thứ hai, đối với quần đảo Trường Sa. Chỉ mãi đến năm 1993, sau sự kiện “Vạn An Bắc”, khi Trung Quốc cho Công ty dầu khí Crestone của Mỹ đấu thầu, thăm dò tìn kiếm dầu khí tại bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam, thì Phan Thạch Anh, nhà nghiên cứu chiến lược biển hàng đầu của Trung Quốc mới tung ra bài viết “bằng chứng lịch sử” về chủ quyền của Trung Quốc  tại quần đảo Nam Sa (Trường Sa).
Luận cứ của bài viết này dựa trên 2 cơ sở lịch sử” một là, việc Trịnh Nguyên thứ 5 đời Đường (năm 789) đã sát nhập quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vào phủ Quỳnh Châu (Trung Quốc); hai là, năm thứ 29, đời Nguyên Thế Tổ (1293), Sử Bật – viên tướng nhà Nguyên đã dẫn quân đến “Vạn Lý Thạch Đường”.
Vấn đề cần chỉ ra ở đây là: năm 789 chỉ có chuyện đô đốc Lý Phục nhà Đường (Trung Quốc) vượt biển đánh chiếm đảo Hải Nam, chứ không có chuyện sát nhập quần đảo Trường Sa vào đảo Hải Nam; và năm 1293, Sử Bật có đi qua quần đảo này, thì mục đích chuyến đi của Sử Bật cũng là để đánh Java chứ không phải là đi tuần ở quần đảo này.
Rõ ràng luận cứ lịch sử mà Trung Quốc đưa ra là không xác đáng.
Thứ ba, đối với “vùng nước lịch sử hình chữ U” mặc dù tấm bản  đồ vẽ đường ranh giới 11 đường cắt khúc (sau đó được sửa lại thành 9 đường đứt đoạn) đã được nước Trung Quốc cũ (Chính Phủ Trung Hoa dân quốc) cho xuất bản từ năm 1947, nhưng khi thành lập nước Trung Quốc mới (CHND Trung Hoa), Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề này. Chỉ mãi đến năm 1993, Trung Quốc mới đòi lại chủ quyền ở khu vực này với lý do: khi Trung Quốc vẽ bản đồ đó, đã không gặp phải sự phản đối của nước nào và cho đến nay đã có 20 nước (trong đó có Việt Nam) đã từng công nhận chủ quyền của Trung Quốc thông qua việc cho vẽ lại bản đồ này.
Thứ tư, song song với việc tung ra các dữ liệu lịch sử, Trung Quốc còn chủ động tạo dựng các vật chứng lịch sử giả tạo để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Philippines tìm kiếm, vất bỏ bia chủ quyền và các vật chứng lịch sử do Trung Quốc thả xuống đảo Bán Nguyệt thuộc quần đảo Trường Sa trong năm 1995 là một ví dụ về thủ đoạn này của Trung Quốc.
Rõ ràng là để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã tung ra một “trận đồ bát quái: với nhiều dữ liệu lịch sử không xác đáng, nhằm đánh lừa dư luận tin vào chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc cũng rất tinh vi thâm hiểm trong chiến thuật từ “bành trướng trên bản đồ” tiến tới “bành trướng trên thực địa”. Mỗi chúng ta có cách nhìn nhận và đánh giá riêng của mình, song phải dựa trên cơ sở những bằng chứng lịch sử để đánh giá khách quan nhất, đấu tranh với những luận điệu sai trái hòng chiếm đoạt vùng biển của Việt Nam. Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam sẽ làm thất bại âm mưu của bè lũ cướp nước, vì vậy mỗi người hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp sức mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển và phồn vinh, đảm bảo vững chắc chủ quyền của dân tộc.


BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved