18/6/13

Bóng đá thời bão giá!

Hồng Đăng

Bóng đá thời bão giá!

Bầu Hiển, bầu Kiên và ... Công Vinh. Biếm họa của họa sỹ Leo


Thời buổi kinh tế khủng hoảng tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều bị ảnh hưởng thì không có lý gì bóng đá lại đứng ngoài cuộc. Điển hình nhất có thể thấy là trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Riêng bóng đá nam Việt Nam trong năm 2012 vừa qua không có thành tích gì nổi bật khiến việc tìm cầu thủ trao quả bóng vàng còn gặp nhiều tranh cãi
  đến mức có tin đồn ban tổ chức chức quyết định không trao giải quả bóng vàng nam. Lý do ban tổ chức đưa ra là không có gương mặt nam nào nổi trội trong năm 2012. Không có danh hiệu Quả bóng vàng nhưng các danh hiệu Quả bóng bạc, Quả bóng đồng, cầu thủ trẻ xuất sắc và cầu thủ ngoại xuất sắc đều được trao. Ở giải nữ ngoài các danh hiệu như thường lệ, còn có thêm danh hiệu cho cầu thủ trẻ xuất sắc. Tuy nhiên danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam năm 2012 vẫn được trao cho tiền vệ của CLB SHB Đà Nẵng và đội tuyển Việt Nam Huỳnh Quốc Anh. 
Kinh tế khủng hoảng khiến giá trị các cầu thủ cũng ảnh hưởng không ít. Cùng nhìn lại thị trường chuyển nhượng cầu thủ đình đám những năm qua : Ở hai mùa đầu tiên, V-League hầu như không có khái niệm mua bán cầu thủ nội. Vụ chuyển nhượng đầu tiên ở giải đấu này là trường hợp của Minh Phương. Sau Tiger Cup 2002, Minh Phương từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm Long An với giá 400 triệu đồng. Cùng với Minh Phương, không lâu sau đó, Trịnh Xuân Thành, Trường Giang – hai cầu thủ được xem là phát hiện của bóng đá Việt Nam cũng bỏ đội cũ tìm bến đỗ mới. Xuân Thành từ Hải Phòng, Trường Giang từ Tiền Giang cùng đến Bình Dương. Trường Giang lập kỷ lục mới về giá trị chuyển nhượng khi được Bình Dương trả 1,2 tỷ đồng. Nếu không tính các cầu thủ ngoại, Trường Giang là cầu thủ đắt giá nhất V-League ở thời điểm đó. Năm 2006, kỷ lục của Trường Giang vẫn chưa bị phá bởi thương vụ đắt giá nhất thuộc về Trung Kiên (từ Nam Định tới Thép MN-Cảng Sài Gòn) vẫn chỉ là 1,2 tỷ đồng.Hai năm sau đó, kỷ lục chuyển nhượng mà Trung Kiên và Trường Giang nắm giữ đã bị phá rất sâu với trường hợp của Lê Công Vinh. Công Vinh được xem là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam nhờ tỏa sáng ở AFF Cup 2008. Sau bàn thắng lịch sử vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về, đưa tuyển Việt Nam lần đầu vô địch, Công Vinh rời Sông Lam Nghệ An. Tới Hà Nội T&T theo hợp đồng ba năm, Công Vinh được đội này trả 7 tỷ đồng “lót tay” cùng mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng. Kết thúc V-League 2010, giá cầu thủ Việt Nam có kỷ lục mới. Trung vệ Lê Phước Tứ - cầu thủ xuất thân từ Thể Công đến Sài Gòn Xuân Thành với bản hợp đồng có thời hạn ba năm, có giá 12 tỷ đồng. Phước Tứ trở thành cầu thủ Việt Nam có giá chuyển nhượng cao nhất cho tới thời điểm đó. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, thực hiện hết hợp đồng với Hà Nội T&T, Vinh chuyển tới Hà Nội của bầu Kiên từ mùa giải 2012 với bản hợp đồng 3 năm với số tiền chuyển nhượng được cho là "khủng" hơn nhiều, vào khoảng 13 tỷ đồng, lương cỡ 70 triệu đồng/tháng. Và khi mới thực hiện xong 1 năm hợp đồng với Hà Nội, Vinh bất đắc dĩ phải trở về SLNA trong bản hợp đồng cho mượn 1 năm. Vụ chuyển nhượng này tốn không ít giấy mực của báo giới, song cuối cùng Công Vinh đã về đầu quân cho SLNA mùa giải năm nay với chi phí khoảng 1 tỷ đồng cho mùa giải 2013. Đúng là thời bão giá, thật khó tin khi CLB Hà Nội vừa mua Công Vinh với giá hợp đồng  3 năm lên tới 13 tỷ lại chấp nhận cho SLNA mượn 1 năm với giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Có thể lý giải bởi yếu tố tình cảm song đúng là giá trị chuyển nhượng cầu thủ không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị thực của cầu thủ đó.
          Mới đây nhất phải kể đến sự kiện CLB Arseal sẽ đến Việt Nam thi đấu giao hữu vào giữa tháng 7 tới. Song sự kiện này có nguy cơ bị hủy bỏ với lý do hết sức lãng xẹt là vấn đề “giá thuê sân vận động quốc gia”.  Câu chuyện thuê sân Mỹ Đình cho trận đội tuyển Việt Nam – Arsenal  ngày 17/7 rộ lên từ tuần trước và đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Những cuộc tranh luận giữa VFF và khu liên hợp thể thao quốc gia vẫn chưa có tiếng nói chúng thì dư luận lại thêm phát sốt khi thời sự đưa tin “sân nhà bị làm giá”. Có thể coi đây là một sự kiện lịch sử đối vời bóng đá Việt Nam. Bởi trong quá khứ có không ít đội bóng danh tiếng thế giới sang Việt Nam du đấu như Brazil, Juventus, Porto, Barcelona, Olympiskos,... Nhưng hầu hết các CLB kể trên đều mang sang Việt Nam đội hình B với thành phần chủ yếu là cầu thủ trẻ và họa chăng thì có một số ngôi sao không mấy tiếng tăm.

Bóng đá thời bão giá!

(Tranh cãi “phí thuê sân” vẫn chưa đến hồi kết)

Theo tiết lộ của ông Nguyễn Lân Trung - Phó chủ tịch VFF thì chi phí để người hâm mộ Việt Nam có thể tận mắt xem những ngôi sao của Arsenal như  Podolski, T.Walcott, Rosicky,Giroud, Cazorla…thi đấu cùng ĐT Việt Nam không hề nhỏ. Được biết, theo dự trù thì ban tổ chức sẽ phải chi đến hơn 40 tỷ đồng cho thương vụ đưa Arsenal sang Việt Nam du đấu này, trong đó đã bao gồm phí ra sân, phí ở khách sạn 5 sao, công tác an ninh và in ấn vé. Ngoài ra, Ban tổ chức còn phải chi 200.000 USD tiền thuê chuyên cơ cho thầy trò HLV Arsene Wenger di chuyển. Chi nhiều như vậy nhưng theo dự kiến thì ban tổ chức chỉ thu lại được chưa đến 29 tỷ đồng từ tiền bán vé. Theo như ông Nguyễn Lân Trung cho biết thì  trước đó hai bên thống nhất mức giá thuê sân là khoảng 1 tỷ đồng nhưng mới đây Ban quản lý sân Mỹ Đình lại đòi mức giá là 1,5 tỷ cùng 500 vé mời (tổng cộng tương đương gần 2 tỷ đồng ). Điều này gây ra sự tranh cãi giữa 2 bên khiến cho hợp đồng thuê sân vẫn chưa được ký kết. Khi mà bên phía Ban quản lý sân Mỹ Đình vẫn khăng khăng mức giá đó là không có gì là quá đáng hay “ chặt chém ” cả vì họ đã phải bỏ ra cả tỷ đồng để tu sửa , nâng cấp sân. Tuy nhiên những luận điệu mà phía ban lãnh đạo quản lý sân Mỹ Đình đưa ra lại không hợp lý chút nào khi mà khu liên hợp thể thao quốc gia giờ đã tự chủ về kinh phí hoạt động cũng như chịu trách nhiệm về tài chính. Mang tiếng tự chủ về kinh phí hoạt động nhưng mỗi khi Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có các dự án sửa chữa lớn thì Bộ VH – TT & DL vẫn cấp tiền. Năm ngoái, Bộ đã cấp 2 tỷ đồng để thay mặt cỏ sân Mỹ Đình.

Sau hơn một năm tự chịu trách nhiệm về tài chính từ năm 2012 thì ông Cẩn Văn Nghĩa-  Giám đốc Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình tự hào phát biểu với báo giới: “Những năm trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ thu từ 4 đến 5 tỷ thì năm 2011 chúng tôi đã thu được tới 28 tỷ. Và dự kiến năm 2012 này chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu khoảng trên 40 tỷ và mục tiêu này hoàn toàn có khả năng thực hiện được”, ông Cấn Văn Nghĩa cho biết trong một bài phỏng vấn hồi tháng 10 năm 2012. Qua đó có thể thấy việc tìm kiếm nguồn thu là kế hoạch cũng là nhiệm vụ của phía sân Mỹ Đình do đó không thể lấy việc bỏ chi phí tu sửa, nâng cấp sân để “làm giá ” với các bên thuê sân được. Hơn nữa đây lại là sự kiện văn hóa – thể thao mang ý nghĩa lớn đối với quốc gia. Đừng để những người dân trong nước phải bức xúc cũng như thế giới có cái nhìn không mấy tốt đẹp về Việt Nam. Một chuyện cỏn con nếu cũng không giải quyết được thì nói chi đến chuyện quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đây.

BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved