1/8/13

Sự ngờ vực chỉ làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng thui chột

Kính Chiếu Yêu

Gần đây, với quyết tâm phòng chống tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã đưa ra một loạt biện pháp có tính quyết liệt như cấp thẻ xanh cho cán bộ được quyền dừng xe kiểm tra; quy định về trường hợp dừng xe đang lưu thông; nghiêm cấm lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra; nghiêm cấm dừng xe kiểm tra qua loa rồi cho đi...và mới đây là công bố "đường dây nóng" để nhân dân, lái xe phản ánh hiện tượng tiêu cực của cảnh sát giao thông. Những việc làm đó góp phần từng bước tiêu trừ tệ nạn mãi lộ, làm xấu hình ảnh lực lượng Công an trong mắt nhân dân.

Cục cảnh sát giao thông yêu cầu người dân, lái xe nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh, sau khi xác định vị trí diễn ra sai phạm, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT có thể báo qua “đường dây nóng” 24/24h: 069 42608.

Ngoài ra, cục CSGT đã thành lập các tổ công tác vừa công khai, vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra việc CSGT địa phương thực hiện. Ngoài giám sát trên đường, các tổ công tác còn căn cứ vào sổ nhật ký, biên bản làm việc để xác định các tổ làm nhiệm vụ có thực hiện đúng quy định của Bộ Công an không.

Sau khi nhận được thông tin, trực ban sẽ báo cáo lãnh đạo Cục, thông tin nào cần trao đổi với địa phương nơi quản lí cán bộ thì Cục sẽ chuyển về địa phương, thông tin nào Cục cần trực tiếp điều tra, xử lý thì Cục sẽ xác minh.cục C67 sẽ xác minh vi phạm và xử lý theo các mức: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Đặc biệt, với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.

Cùng với việc đề ra các biện pháp quản lí đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, Bộ Công an còn quy định chế độ trách nhiệm đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp khi để xảy ra tiêu cực ở đơn vị mình trực tiếp quản lí.

Những biện pháp cụ thể nói trên đang thu hẹp dần và hướng đến triệt tiêu tiêu cực, tham nhũng trong cảnh sát giao thông, lực lượng bị coi là tiêu cực nhất trong công an. Thiết nghĩ, đây là những chủ trương rất cần và đúng để làm trong sạch lực lượng CSGT. 

Vậy nhưng, lướt qua một loạt báo điện tử, web site có đưa thông tin này, bên cạnh một số ít ý kiến tán đồng, ủng hộ, phần lớn ý kiến tỏ ra nghi ngờ, thậm chí dè bỉu, công kích. Điều này cho thấy, lòng tin của nhân dân đối với cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng chưa đủ trở thành chỗ dựa cho cuộc đấu tranh.

Lâu nay, chuyện tiêu cực của cảnh sát giao thông luôn là vấn đề nhức nhối. Những chuyển động về công tác quản lí cán bộ của Bộ Công an đã thấy rõ. Song nếu chỉ có vậy thì chưa đủ, nếu không có sự tham gia tích cực của nhân dân thì không bao giờ giải quyết được vấn đề này.

Lực lượng dân chúng có tác dụng phối hợp trực tiếp nhất, hiệu quả nhất là các doanh nghiệp vận tải và lái xe. Mà yếu tố cần đầu tiên là họ phải nghiêm túc trong chấp hành luật lệ vận tải. Lâu nay, trong giới vận tải tồn tại những giải thích ngụy biện thế này: Do để có tiền mãi lộ họ phải chở quá tải để thêm thắt cho chi phí. Để yên tâm cho tuyến vận tải họ phải "mua đường". Trước đây, chi phí tiêu cực thường được trao đổi trực tiếp giữa lái xe với CSGT ở các điểm dừng xe. Nay, để tránh bị phát hiện họ chung chi qua trung gian. Để qua một trạm cân, một cung đường, lái xe hoặc doanh nghiệp thường giao tiền cho một người trung gian, người đó báo số xe cho trạm hoặc CSGT thì được mặc nhiên đi qua.

Rõ ràng, cuộc đấu tranh này không thể chỉ từ một phía, sự ngờ vực và thiếu quyết tâm chỉ làm thui chột cuộc đấu tranh.

BÌNH LUẬN FACEBOOK


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 The Best Template Blogger All Right Reserved